Là nơi ra đời thị trường chứng khoán, có hơn 2.100 tổ chức của ngân hàng, tín dụng, 50 ngân hàng nước ngoài, TP HCM được đề xuất thành trung tâm tài chính quốc tế.
Nội dung này đề cập trong văn bản vừa được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong gửi Thủ tướng cuối tháng 8/2020. Lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ xem mục tiêu này là “nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”; đồng thời kiến nghị bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo ông Phong, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định là điều kiện để các trung tâm tài chính hình thành và phát triển. Trong khi đó, với vị thế đầu tàu nền kinh tế cả nước, TP HCM hiện đóng góp 22,3% GDP (tổng sản phẩm nội địa), chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cả nước.
Hạ tầng tài chính của thành phố còn tiềm năng rất lớn với hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán… Các đơn vị này có vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ vốn thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc qua kênh mua bán – sáp nhập, hoạt động kiều hối…
Cụ thể, mật độ tập trung của các định chế tài chính ở TP HCM vào loại cao nhất cả nước. Thành phố đang có 2.138 đơn vị thuộc ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong đó có hội sở, phòng giao dịch, chi nhánh của 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh. Tổng huy động vốn tại TP HCM chiếm hơn 24% cả nước và tổng dư nợ cho vay ở địa phương cũng chiếm tới hơn 28% tổng dự nợ cho vay toàn nền kinh tế.
TP HCM cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) hiện chiếm 95% thị trường và hơn 54% GDP cả nước năm 2019. Quy mô vốn hóa của các công ty niêm yết trên HOSE lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, gấp 17 lần so với sàn Hà Nội (HNX, khoảng 192.000 tỷ đồng).
Về vị trí địa lý, TP HCM có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây được xem là lợi thế “riêng và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm này nghỉ giao dịch. Thành phố cũng cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, xa hơn chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
UBND TP HCM đề xuất trong ngắn hạn cần định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia; trong trung hạn sẽ định hướng tầm cỡ khu vực.
Bước đầu, trung tâm tài chính tại TP HCM có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận đang chuyển đổi và phát triển nhanh như Lào, Campuchia, Myanmar, hay Brunei là nước giàu nhưng chưa có thị trường tài chính phát triển. Sau đó, thành phố hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước ASEAN.
Trong dài hạn, trung tâm tài chính tại TP HCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả toàn cầu.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, TP HCM sẽ xây dựng đề án cụ thể trình các cơ quan Trung ương phê duyệt theo quy định. Thành phố cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện chủ trương trên, góp phần phát triển, nâng tầm vị thế Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Hiện thành phố đã hoàn thành Đề án “Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc gia và khu vực” trình Thủ tướng. Trước đó ở Đề án xây dựng Thành phố phía Đông, thành phố xác định Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) trong tương lai sẽ được đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở vật chất để trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế phải là “quyết tâm cao của thành phố”; cần xây dựng chính sách để “trải thảm” cho các nhà đầu tư, mới có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế được…
TP HCM chưa hình thành trung tâm tài chính đúng nghĩa. Thành phố chưa có một khu vực tập trung nhiều tổ chức tài chính, cung cấp các cơ sở hạ tầng về thương mại và có lượng lớn giao dịch thương mại trong nước và quốc tế được tiến hành. Tuy nhiên, hiện hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán mọc lên xung quanh khu vực trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM (số 8 Võ Văn Kiệt) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (16 Võ Văn Kiệt), hình thành nên khu phố tài chính hay còn được gọi là “phố Wall Sài Gòn”.
Khu vực này cũng quy tụ hàng chục ngân hàng lớn nhỏ, công ty tài chính nằm gọn trong địa bàn phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), trên các đường Nguyễn Công Trứ với những góc phố lân cận tiếp giáp Bến Chương Dương (nay là Võ Văn Kiệt), nối với Pasteur, vòng qua Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính, Tôn Thất Đạm.
Bài viết nổi bật