Ngày 30/3/2021, Hội thảo “TPHCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp UBND TPHCM tổ chức, đã diễn ra. Đến dự có Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.
Tại hội thảo “TP. HCM – Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM từng nhấn mạnh, kinh tế biển là nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Với TP. HCM, phát triển về hướng biển là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố trong nhiều năm qua. Do đó, yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM là xác định được chiến lược để thành phố có kinh tế biển và có chuỗi đô thị biển kết nối với quốc tế và khu vực.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế, hiện nay TPHCM và Vùng TP cần định vị lại vị thế cạnh tranh, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng và của Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, định hướng chiến lược để kinh tế TPHCM cất cánh trong tương lai cũng đã xác định dồn lực phát triển về phía vịnh Cần Giờ. Cụ thể, vùng vịnh Cần Giờ sẽ được phát triển kinh tế biển theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển, liên kết vùng kết nối với các tỉnh lân cận, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan hy vọng, TPHCM và Vùng TP có bước đột phá trong hành trình vươn ra biển lớn và cùng hội nhập phát triển cùng thời đại. Do đó, mô hình phát triển trong tương lai của Thành phố cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế trong phần đất và biển của Thành phố, trong đó xác định biển Cần Giờ trong mối quan hệ vùng, là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của Thành phố và Vùng TP.
Khu vực Cần Giờ chính là lợi thế để tạo ra bước ngoặt, thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP. HCM và vùng thành phố, chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá cho TP. HCM và vùng thành phố trong hành trình vươn ra biển lớn và hội nhập phát triển với các đô thị khác
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhận định.
Cũng tại hội thảo, PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục – Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững cho rằng Vùng TPHCM có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).
Cũng theo PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm 8 tỉnh gần như tạo thành một “bát giác kim cương”, ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Do vậy, vùng đô thị – cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu – Cần Giờ – Gò Công.
Nhấn mạnh thêm về vai trò TP. HCM, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, là một Thành phố ven biển, TP. HCM đóng vai trò đầu tàu trong các tỉnh, TP ven biển cũng như cả nước. Năm 2020, TP. HCM chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh, thành ven biển; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, TP ven biển và 10,8% cả nước. Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế của TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong về phát triển kinh tế của cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả giai đoạn tăng bình quân 6,41%, đóng góp trên 22,2% GDP của cả nước.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển mong muốn đón nhận các đề xuất, các quan điểm, mô hình, chủ trương và chính sách lớn để phát triển các các đô thị ven biển của nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương và TPHCM đặc biệt mong muốn đón nhận những đóng góp về đầu tư cho hệ thống hạ tầng liên kết vùng để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng và của TPHCM, về phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để tạo ra tăng trưởng nhảy vọt cho TPHCM về tư duy phát triển kinh tế ở quy mô, tầm nhìn vùng thay vì tầm nhìn riêng biệt của mỗi tỉnh, TP…
Ngoài ra, theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 vừa được UBND TP. HCM phê duyệt, Khu đô thị lấn biển Cần giờ sẽ có 5 phân khu với tổng diện tích là 2.870 ha. Trong đó, phân khu A sẽ có quy mô khoảng 771,05 ha; phân khu B sẽ có quy mô 586,88 ha; phân khu C có quy mô 303,47 ha; phân khu D, E sẽ có diện tích khu vực quy hoạch là 1.208,60 ha.
Bài viết nổi bật