Cập nhật đến T3/2024
Dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 hơn 17.000 tỉ đồng sắp trình HĐND TPHCM. Cụ thể, Dự án cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỉ đồng và cầu Thủ Thiêm 4 hơn 6.000 tỉ đồng dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong quý II/2024.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ báo cáo tiến độ 7 dự án trọng điểm thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Đáng chú ý, dự án cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong quý 2 năm nay.
Cầu Cần Giờ
Theo đề xuất của Sở GTVT, dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài 7,3 km, rộng 6 làn xe, tổng vốn hơn 11.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
TPHCM dự kiến chi khoảng 5.246 tỉ đồng để tham gia đầu tư dự án (tương đương gần 50% tổng mức đầu tư), còn lại do nhà đầu tư huy động.
Cầu Thủ Thiêm 4
Cầu Thủ Thiêm 4 nối Quận 7 và TP Thủ Đức dài hơn 2km với 6 làn xe. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7. Điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao đường R4, TP Thủ Đức. Cây cầu có chiều dài 2,16km, trong đó phần cầu dài 1,6km, quy mô 6 làn xe.
Điểm độc đáo của cây cầu này là có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m, giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại.
Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 6.030 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. TPHCM sẽ chi khoảng 2.826 tỉ đồng tham gia đầu tư (tương đương khoảng 50% tổng mức đầu tư).
Nếu được Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua, cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 sẽ khởi công dịp 30/4/2025. Thời gian xây dựng dự kiến từ 2025 – 2028, thời gian thu phí BOT là 18 năm 8 tháng (từ năm 2028 đến 2048).
Cập nhật đến T6/2023
Trong tháng 6/2023, Bộ GTVT đang góp ý với TPHCM về phương án xây dựng cầu Cần Giờ – mắt xích quan trọng trên trục đường mới nối trung tâm thành phố với cảng trung chuyển quốc tế và đô thị lấn biển. Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Sở GTVT TPHCM cho biết đang hoàn thiện hồ sơ dự án cầu Cần Giờ bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ.
Đây là công trình quan trọng nhằm thay thế tuyến phà độc đạo Bình Khánh kết nối “huyện đảo” Cần Giờ với phần còn lại của TPHCM.
Phương án hướng tuyến cầu Cần Giờ mà TPHCM kiến nghị dài khoảng 7,3km, điểm đầu tại đường 15B (song song với đường Huỳnh Tấn Phát); điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5km về phía nam.
Bộ GTVT đánh giá phương án này cơ bản phù hợp với hướng tuyến được Thủ tướng chấp thuận, đồng thời sẽ hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng so với các phương án hướng tuyến khác.
Cập nhật đến T2/2022
Cầu Cần Giờ, Cát Lái, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng, đầu tư những năm tới giúp liên kết vùng, tháo điểm nghẽn hạ tầng nhiều khu vực ở TP HCM.
Cầu Cần Giờ
Quy mô lớn nhất là dự án cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Cầu bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP HCM. Cách đây 6 năm, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Trong 17 thiết kế đưa ra, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước – đặc trưng của Cần Giờ được chọn. Theo phương án này, cầu Cần Giờ dài 3,4 km, có 4 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao đường 15B với đường số 2 (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh gần 2 km tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Dự án cầu Cần Giờ lúc trước dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác. Hiện, dự án được lên kế hoạch thực hiện giai đoạn 2023-2028.
Năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP HCM giao nhiệm vụ, bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm sớm triển khai cầu Cần Giờ. Công trình khi hình thành sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, tăng kết nối Nam Sài Gòn với Cần Giờ – huyện đảo duy nhất ở TP HCM. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hoá, công trình sẽ thúc đẩy phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch Cần Giờ.
Cầu Thủ Thiêm
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua quận 7, tổng vốn 5.300 tỷ đồng. Đây là một trong 59 dự án trọng điểm được Sở Giao thông Vận tải đăng ký giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Cầu Thủ Thiêm 4 theo thiết kế có điểm đầu trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).
Công trình trước đó cũng dự tính thực hiện theo hợp đồng BT nên sau khi hình thức bị loại bỏ trong Luật PPP, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo kế hoạch, công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là cần thiết, nhằm giảm áp lực giao thông từ phía TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh qua quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Công trình giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu và Nam Sài Gòn.
Cầu Cát Lái
Cầu Cát Lái nối TP HCM và Đồng Nai tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, được quy hoạch từ 20 năm qua nhằm liên kết vùng, thay phà Cát Lái. Khó khăn nguồn vốn, công trình chưa được xây dựng. Ba năm trước, Thủ tướng đồng ý giao Đồng Nai chủ trì, lên các phương án gửi TP HCM xem xét, thống nhất triển khai. Nhiều phương án sau đó được đưa ra để khả thi trong thực hiện công trình, nhưng hiện các bên chưa quyết định.
Cầu có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng hơn 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m… Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI, đơn vị tư vấn) đưa ra 5 phương án thiết kế cầu Cát Lái. Trong đó cơ quan tư vấn ưu tiên phương án 2 do nhiều ưu điểm như chiều dài ngắn nhất, ít giải phóng mặt bằng, chi phí thấp, thuận lợi kết nối giao thông.
Với phương án này, cầu Cát Lái có điểm đầu dự án tại đường ven sông Sài Gòn, đi dọc trục đường quy hoạch của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B và cắt đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai qua huyện Nhơn Trạch. Phía bờ Đồng Nai, dự án đi qua các xã Phú Hữu, Phú Đông, cắt qua đường 25C, kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Chiều dài toàn tuyến hơn 10,6 km.
Hiện ở khu vực trên, TP HCM kết nối giao thông qua Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu qua phà Cát Lái và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, vốn đã quá tải. Việc xây cầu Cát Lái được kỳ vọng bởi người dân, công nhân các khu công nghiệp không chỉ thoát cảnh “qua sông lụy phà” mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực.
Cập nhật đến T9/2021
Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn TP, nổi bật trong đó có 3 dự án cầu đường quan trọng gồm: cầu Thủ Thiên 2, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ.
Quy mô lớn nhất là dự án cầu Cần Giờ, bắc qua xông Soài Rạp, kết nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng thay phà Bình Khánh – hiện độc đạo nối Cần Giờ với trung tâm TP HCM. Công trình dự kiến kết hợp hợp đồng BT, vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng.
Dự án thứ hai là cầu Thủ Thiêm 2, bắc qua sông Sài Gòn, tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng vừa được hợp long, nối liền TP Thủ Đức với quận 1, dự kiến khai thác quý 2 năm sau. Công trình dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m.
Chiều 2/9, đại diện Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) cho biết, công trình đã hoàn thành lắp đặt đốt dầm AS16 – đốt dầm cuối cùng trong 17 dầm thép của phần cầu chính băng ngang sông Sài Gòn. Việc lắp xong đốt dầm này, nhịp chính dây văng cầu Thủ Thiêm 2 đã nối liền hai bên bờ sông.
Dự án thứ ba là cầu Thủ Thiêm 4, công trình dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe, vận tốc 60 km/h, nối quận 2 và 7, vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng (gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Cầu bắt đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát kết nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4.
Trong thiết kế, công trình dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe, vận tốc 60 km/h, chịu được động đất cấp 7. Hồi năm 2015, nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bằng hình thức đổi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố sau đó kiến nghị Thủ tướng đồng ý để đẩy nhanh tiến độ góp phần giảm ùn tắc từ khu Nam Sài Gòn về trung tâm; thúc đẩy Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Đối với dự án này và dự án cầu Cần Giờ, Sở GTVT TP cho biết đã có báo cáo, kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn để tổ chức triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công dự án.
Bài viết nổi bật